Gia Đình  Gia Đình

Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Lễ cưới trong mơ

Chi tần ngần trước gương hồi lâu rồi mới dám xoay lại, kéo rèm bước ra cho Dũng chiêm ngưỡng dung mạo cô dâu sẽ sánh bước cùng anh vào lễ đường sau một tháng nữa.
Dũng nghệch mặt ra như một chàng ngốc, đúng như Chi đã tưởng tượng nhưng cô vẫn phì cười, gò má đo đỏ đúng kiểu cô dâu mới. Chiếc soa – rê trắng với kiểu áo quây, không tay và thiết kế ở dưới xòe vừa phải cùng một số chi tiết nữa khiến Chi vừa thoáng nhìn đã gật đầu ưng ngay. Nó giống hệt như trong tưởng tượng của cô về một lễ cưới hoàn hảo.
Dũng là một người đàn ông trên cả tuyệt vời xứng đáng đạt 100 điểm hoàn hảo. Anh có bằng thạc sĩ ở Pháp, anh đang ngồi ghế giám đốc điều hành tại thị trường Việt Nam cho nhãn hàng X lừng danh thế giới. Anh trẻ tuổi, giàu có, phong độ và điển trai. Một người tốt như vậy, chẳng cần thắc mắc tại sao anh lắm “chân dài” theo đuổi.
Nhưng chẳng phải là cô bạn gái hay ghen tuông, sân si với “hotgirl” mà chăm chăm giữ chặt người yêu, Chi là người hiểu chuyện nên chẳng khi nào hành động như thế.
Nhưng lắm khi cái “hiểu chuyện” của cô lại như hột đậu dưới chục tấm nệm, khiến lòng Dũng cứ bức bối, khó chịu.
Hễ ai hỏi Chi có ghen không, có sợ mất người yêu không, có sợ bị phản bội ngầm không… Chi chỉ cười xòa thay câu trả lời. Cái kiểu cười không vui không buồn, càng không đồng tình hay phản bác làm Dũng có lúc nghe được, phải nén nhẹ cái thở dài.
Doanh nhân ra thương trường giao thiệp rộng, có cô vợ, cô người yêu dễ tính dễ nết như vậy mừng không kịp, vậy mà Dũng…
Dù là cố gắng để không bận tâm tới điều đó – cái điều làm Dũng khổ, làm Chi phiền lòng – như lời Dũng hứa với Chi ngày cầu hôn.
Dù là vậy, nhưng làm sao có thể xem chuyện có thành không cho được chứ.
Chiếc nhẫn bạc lấp lánh trên ngón tay áp út của Chi nhắc Chi nhớ rằng mình đã đính hôn và chưa tới một tháng nữa, mình sẽ trở thành vợ của người ta.
Từ nhỏ, Chi đã thích xem cảnh đám cưới trong phim và bắt đầu mơ mộng. Chi muốn mình mặc áo cưới trắng thế này, đầu cài mũ miện nhỏ với dải voan mỏng hất hết ra phía sau. Cô không thích cảm giác che phủ, cảm giác nhìn sau lớp voan. Cô muốn nhìn thấy lễ đường, khách mời và người sẽ đi cùng cô đến cuối đời rõ ràng nhất.
Bởi một lý do…
Lễ cưới trong mơ của Chi, chính là khung cảnh cô dâu đến giây phút gật đầu “con đồng ý” thì nhận ra, mình không thể sống cùng người đàn ông trước mặt cả đời. Nhận ra, người mà cô thật sự yêu, thật sự tìm được hạnh phúc khi ở bên đang ở ngoài lễ đường này. Và, cô dâu ấy, sẽ cầm gấu váy soa rê trắng xòe tuyệt đẹp chạy đi giữa hai hàng ghế, chạy ra khỏi lễ đường….
Nhưng Chi không biết, sau đó sẽ như thế nào.
Mọi thứ đã ổn định, ngày mai, à mà nói đúng hơn là vài tiếng nữa vì lúc này đã là bốn giờ sáng rồi, Chi sẽ làm cô dâu. Từ “cô dâu” nghe thích quá nhưng sao nghe nó buốt nhói với Chi quá. Chỉ vì nó gợi nhớ đến một đám cưới khác, một tấm thiệp cưới khác từng lướt qua trong đời Chi và ám ảnh hoài không nguôi.
“Cô dâu” trở mình thở uể oải.
Lễ cưới trong mơ của Chi, là một sự trốn chạy khỏi trách nhiệm “gái lớn phải lấy chồng” của gia đình và lề thói “gặp – quen – yêu – cưới” nhàm chán.
Là một nỗi khát khao tìm kiếm tình yêu thiên đường đầy ngông cuồng, khờ dại nhưng thắm thiết do Thượng Đế sắp đôi.
Mọi cô gái đều từng mơ về đám cưới. Mọi cô gái đều mong giấc mơ ấy sẽ trở thành hiện thực.
Còn Chi?


Dũng về nhà trong mệt mỏi cùng cực. Giở lồng bàn, anh thấy cơm canh đã sẵn hết và kèm mẩu giấy ghi chú thời gian hâm trong lò vi sóng cho từng món.
Dũng lê chân nặng nề lên lầu, ngã phịch xuống nệm ngủ luôn không màng gì nữa. Mơ màng tỉnh lần thứ nhất, anh thấy mình được thay quần tây, áo sơ-mi, vớ và nằm ngay ngắn, đắp chăn ấm áp.
“Chi về rồi.”
Dũng chỉ nghĩ được mỗi thế rồi lại thiếp đi. Tỉnh giấc lần thứ hai, Dũng mờ mờ nhìn thấy Chi đang thay quần áo. Mắt anh ken đầy ghèn chả thể mở to hơn nhưng có khi mờ ảo thế này lại hay. Nằm im nhìn thế này lại hay. Ít ra anh được hưởng cảm giác “có vợ”, được nhìn cái eo thon của vợ lộ ra hấp dẫn. Dũng lại thiếp đi, thật đã quá mệt mỏi.
Hôn nhân của Dũng và Chi kéo dài được 6 năm với bao nhiêu là gắng gượng. Chi như một đứa em họ nào đấy vào xin ở nhờ nhà Dũng (trừ lúc lên giường làm trách nhiệm người vợ).
Chi dựng một bức bình phong vô hình giữa hai người, đối đãi với Dũng lịch sự, khách sáo và hòa nhã đến nhói lòng dạ. Một người vợ, họ sẽ chăm nom nhà cửa trong vai bà chủ. Dọn dẹp sắp xếp, treo rèm cửa màu gì, thảm màu nào theo ý họ muốn và chồng BUỘC phải chấp nhận.
Đấy là vợ.
Còn Chi, Chi siêng năng làm và mọi việc đều hỏi ý chồng như đây chỉ là nhà của riêng anh. Dũng không phiền bởi Chi luôn khéo léo trong cách hỏi và lúc hỏi để anh không thấy khó chịu, bực dọc vì suy nghĩ nhiều.
Dũng buồn cái nỗi vợ chồng nhưng chẳng lần tìm thấy sợi dây gắn kết nào giữa hai người. Lại càng chẳng giận hờn, ghen tuông, tra khảo hay hờn mát để rồi vợ ton tót quay đi, chồng níu tay giữ lại năn nỉ ỉ ôi.
Chưa khi nào Chi làm Dũng cáu giận, ghen tuông vì Chi luôn rất “ngoan”. Nếu Dũng ức chế, mệt mỏi mà cáu gắt, Chi cũng không nói lại nửa lời, dùng cái im lặng nhẫn nhịn mà đối đáp. Nhìn vợ mình như thế, làm sao Dũng nỡ lớn tiếng được nữa. Thành ra, cảnh trong nhà cứ ngỡ hạnh phúc ấm êm nhưng sự thật thì lạnh tanh cứng ngắc. Lắm khi thấy nhà hàng xóm cãi nhau, cô vợ la oai oái về việc anh chồng nhậu say về có dấu son môi trên cổ áo, Dũng lại thầm ước cái điều kì khôi: phải mà Chi giống bà ta, chắc vợ chồng sẽ bớt xa cách hơn.
Dũng vò đầu, ngáp ngắn ngáp dài đi xuống bếp, Dũng đưa tay giở lồng bàn theo thói quen nhưng sao chẳng thấy thức ăn gì cả mà chỉ có mỗi mảnh giấy ghi chú. Anh tái mặt rồi sấp ngửa chạy thay quần áo vứt lại mẩu giấy trên sàn nhà.
“Mẹ gọi em sang nhà có việc.”
Vợ chồng ăn ở với nhau cũng 6 năm mà chẳng có nổi mụn con, mẹ Dũng là người bức bối nhất trong chuyện này. Bà chỉ có mình Dũng là con trai, bao nhiêu hy vọng nối dõi dồn hết vào đôi vợ chồng trẻ, vậy mà năm này nối năm khác, bà vẫn chưa có cháu ẵm bồng.
Dũng thì không thể gọi đến dạy bảo vì anh còn công việc nên Chi từ sau năm thứ 3 lấy chồng mà không thấy “động tĩnh” gì, cô đã chính thức trở thành đứa con dâu bất hiếu trong mắt mẹ Dũng.
Thỉnh thoảng, mẹ chồng lại gọi cô sang bảo là chỉ nấu món này, phụ nấu cỗ nọ nhưng thực chất là mang Chi đi khám tổng quát phụ khoa. Khám hết lượt bác sĩ phán con dâu bà hoàn toàn khỏe mạnh nhưng bà vẫn cứ bán tín bán nghi. Hết khám, lại giảng về đạo làm dâu con trong nhà, nên ăn sao uống sao, kiêng cái gì, để gầm giường cái gì cho mau “to bụng”. Cứ thế thành ra một nỗi ác mộng mà ít nhất mỗi tháng một lần lại tìm đến Chi.
Nhưng bao giờ cũng vậy, Dũng luôn đến “cứu” cô kịp thời. Trên đường về, anh đều nói tiếng xin lỗi và vợ chồng đi ăn ở một nhà hàng sang trọng nào đấy như cách anh bù đắp cho mấy tiếng đồng hồ mà Chi phải im lặng chịu đựng.
Chi chưa từng trách móc Dũng, đay nghiến, khóc lóc hay đơn giản là nóng giận với Dũng về chuyện mẹ chồng đay nghiến. Về chuyện bị dắt đi khám phụ khoa đến mắc cỡ với ý tá. Cả về chuyện, hứng tội “bất hiếu” thay cho Dũng. Chi biết, Dũng không có khả năng sinh con từ trước khi gật đầu nhận lời cầu hôn từ anh.


Bốn bề phòng vẽ tối om chỉ có ngọn đèn bàn sáng choang soi rõ từng con chữ trên tờ đơn ly hôn Chi đang cầm. Dũng đi công tác nước ngoài hai tuần. Hai tuần để Chi suy nghĩ và kí tên, đổi lại tự do cho cô, thanh thản trong lòng cho anh và giải tỏa ức chế trong lòng mẹ chồng.
Sao ngày cưới, Chi không bỏ chạy nhỉ? Cô tự hỏi lòng mình câu này sáu năm qua. Sáu năm rồi, không ngày nào là cô không lôi cái nuối tiếc ấy ra mà nhai lại một tí trước khi ngủ. Cô dâu chạy đi, chạy ra khỏi cổng lễ đường, rồi sao nữa?
Chi sẽ đi đâu? Làm gì? Và rồi khi ngày kinh hoàng đó qua đi, cô sẽ đối mặt với bố mẹ, với họ hàng, với mẹ chồng (tương lai) và với người đàn ông bị cô bỏ rơi trước hàng trăm quan khách – dù anh yêu cô thật nhiều – bằng cách nào đây?
Chi không biết, thật sự không biết bởi lẽ nếu muốn tìm tình yêu đích thực của cuộc đời thì cô chẳng thà tự vẫn để lên thiên đường trước khi khoác váy cưới vào sáng hôm ấy cho nhanh.
Chẳng ai biết: người nào mới là “tình yêu đích thực”, “lương duyên trời định” của mình cả. Chỉ có một cách để biết, đó là đi cùng họ một quãng đường dài trong đời, có khi là cùng đi đến tận ngày cuối đời, ta mới biết liệu đây có phải là người Thượng Đế tạo ra để dành cho mình hay không.
Nếu chạy đi. Ừ, thì nếu chạy đi theo tiếng gọi con tim, Chi sẽ chạy đến một ngôi nhà hai tầng bình thường, nơi người cô yêu suốt mười năm ròng rã đang hạnh phúc chăm sóc vợ và cô con gái đầu lòng mới vài tháng tuổi. Đó, đã là một gia đình. Dù người đàn ông đang phơi tã lót em bé kia có thật sự là một nửa của Chi, một nửa do Thượng Đế định ước hay không thì hiện tại, anh ta vẫn chưa là của Chi. Chưa đến lúc là của Chi để cô được quyền đứng trước cổng bấm chuông và gắn kết cuộc sống của mình vào. Mà đó chỉ mới là “giả sử” thôi đấy, Chi!
Đánh thức mình kịp lúc để cô nhớ ra mình đang đứng trước người đàn ông yêu cô tha thiết cũng ròng rã mười năm trời. Người đàn ông chỉ vì nghe một cuộc điện thoại với tiếng khóc không ngừng từ cô, bởi người cô yêu vừa gửi thiệp cưới. Anh đã không suy tính được gì khi nghe cô khóc nghẹn bên điện thoại, tai anh ù đi, tim như ngưng lại và cẳng chân không trụ vững. Người đàn ông ấy đã chạy xe máy bằng vận tốc mời gọi tử thần chỉ để được đến ôm cô vào lòng rồi khẽ lau nước mắt cho cô.
Người đàn ông duy nhất trên đời, vì cô, vì tiếng khóc của cô, mà mất đi khả năng sinh con vĩnh viễn do tai nạn giao thông.
Dẫu thế, anh cũng không một lời oán trách…
Chi cúi mặt nhìn vào lá đơn Dũng đã kí sẵn tên. Một giọt nước rơi xuống đánh bộp vào tờ giấy mỏng, nhòe đi chữ kí anh doanh nhân trẻ nhiều thiếu nữ khao khát được hẹn hò.
Em nằm đây bên anh, gối đầu lên tay anh, tận hưởng dư vị ngọt ngào của ái ân vợ chồng mà sáu năm qua em đều chỉ thực hiện việc này như nghĩa vụ.
Lần đầu tiên, anh bước vào nhà, được em chạy nhào đến ôm chầm lấy như đứa trẻ hóng cha về mà vòi quà. Dũng của em đã ngạc nhiên đến rơi cả chiếc cặp đang cầm xuống sàn.
Phút giây ấy, em chỉ muốn trào khóc. Người em đã thề trong lễ đường sẽ ở bên cạnh chăm lo khi ốm đau, khi về già, người mà em gọi là chồng, đã cô đơn trong chính tổ ấm của mình đến nỗi hoảng hốt khi được ôm. Đã bị bỏ rơi bởi chính người vợ nằm ngủ bên cạnh mỗi đêm, đã bị đối xử lạnh lùng dẫu anh đã hy sinh quá nhiều cho cô ấy…
Em yêu anh lắm, chồng của em! Em thấy vòng tay anh siết em chặt hơn khi em thủ thỉ với anh và hơi ấm từ cơ thể anh làm em tan hết mọi cảm xúc mà tiếc nuối, khao khát tình yêu ngông cuồng, khờ dại nhưng mãnh liệt mà em hay lôi ra gặm nhấm mỗi tối rồi trằn trọc thao thức, thèm thuồng.
Chẳng phải, chồng của em đã yêu em ngông cuồng, khờ dại nhưng mãnh liệt hơn bất cứ người đàn ông nào trên đời hay sao?
Chẳng cần biết Thượng Đế chọn ai cho em. Chỉ cần biết lúc này, em chọn anh để ôm ấp mỗi tối là được, anh nhỉ!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.

Bài viết