Theo nghiên cứu mới nhất của Viện kinh tế và hòa bình thế giới (IEP), nếu chiến tranh thế giới xảy ra, Việt Nam sẽ là một trong 11 quốc gia an toàn nhất.
Với cuộc khủng hoảng ở dải Gaza, sự trỗi dậy của các chiến binh Hồi giáo ở Iraq và Syria, cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết tại Ukraine, đôi khi, thế giới dường như đang đứng trước ngưỡng cửa một cuộc chiến tranh.
Danh sách 11 quốc gia không bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột theo chỉ số hòa bình toàn cầu 2014 bao gồm: Thụy Sĩ, Nhật Bản, Qatar, Mauritius, Uruguay, Chile, Botswana, Costa Rica, Việt Nam, Panama và Brazil.
Chỉ số hòa bình toàn cầu của IEP dựa trên các tiêu chí về xung đột nội bộ, sự đóng góp vào quân sự thế giới, tỷ lệ sử dụng vũ khí hạng nhẹ của người dân…
Do chỉ số này xét trên cả sự đóng góp vào quân sự thế giới nên có những quốc gia tưởng như an toàn nhưng thực sự không phải thế. Ví dụ như Anh, đất nước này ít xung đột nội bộ nhưng sự tham gia gần đây của quân đội Anh tại Afghanistan làm cho nước này đạt chỉ số kém về hòa bình toàn cầu 2014.
Trái ngược lại, Triều Tiên ít tham gia vào các vấn đề toàn cầu nhưng họ lại có nguy cơ chiến tranh cao do sự bảo thủ và các vấn đề nội bộ.
Chỉ số hòa bình toàn cầu 2014 nghiên cứu những con số tính đến cuối năm 2013. Nghĩa là những vấn đề của 2014 vẫn chưa được nhắc tới trong báo cáo. Như vậy, có những nước năm 2013 rất an toàn nhưng 2014 thì ngược lại. Ví dụ như Brazil với những cuộc biểu tình, bạo loạn chống World Cup năm 2014 thì chỉ số hòa bình năm 2015 của họ lại rất thấp.
Brazil và Costa Rica có khả năng xung đột nội bộ thấp nhất, nhưng người dân tại hai quốc gia này dễ dàng tiếp cận vũ khí hạng nhẹ và khả năng những cuộc biểu tình bạo lực rất đáng lo ngại.
Thậm chí một đất nước nổi tiếng tách biệt với chiến tranh như Thụy sỹ cũng rất có thể mất điểm hòa bình vào năm sau do tỷ lệ cung ứng và xuất khẩu vũ khí của họ là rất cao.
Phát biểu với The Independent, giám đốc của IEP, Camilla Schippa cảnh báo rằng hòa bình thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng trong những năm gần đây.
"Những cú sốc lớn về kinh tế và địa chính trị cho thế giới như phong trào mùa xuân Ả Rập hay khủng hoảng tài chính toàn cầu đẩy càng nhiều quốc gia vào nguy cơ xung đột. Trong những năm qua, các hoạt động khủng bố đang ngày càng gia tăng, các cuộc xung đột tại dải Gaza, Syria, Iraq hoặc tình hình bất ổn tại Ukraine, bạo lực tại Nam Sudan đang làm chúng ta có cảm giác rằng sắp có chiến tranh thế giới mới", bà nói.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét